Những dò thăm không ngừng quá khứ

 

Ở những lá thư mới nhận được hồi gần đây của những người đọc tôi, cácbạn ấy, như Vui, đài trán phẳng, thái độ thẳng, tiếng nói trong, ý thức nóng và nhìn đời sáng từ tâm hồn mới, tôi có ghi nhận được một điều, đối với tôi rất đáng lưu tâm và xem là quan trọng. Dùng nó làm đối tượng trao đổi ý kiến giữa chúng ta đây. Đó là, các bạn ấy, như Vui, đã nhận tôi như một người viết chỉ biết hướng rung động mình về trở lại những vùng trời quá khứ. Nếu mỗi người viết có một thế giới, thế giới tôi là cõi chập chờn và phảng phất đó củ những dư vang và những bóng hình. Mưa trong tôi là mưa bay nghiêng trên một nhà ga dĩ vãng, ở đó có một con tầu tâm thể lặn chìm không chịu lăn đời đi về nắng hồng rực rỡ những ga sau. Viết, theo các bạn và Vui hiểu, chỉ là những xâu chuỗi không cùng của miệt mài hồi tưởng. Hiện tại này, tôi không nhìn thấy nó. Cái trước mắt ồn ào sóng vỗ, cái chung quanh muôn vẻ nghìn hình, cái đang có như một trái tim lớn, máu tiếp máu bàng hoàng dội dập, ngần ấy ánh sáng, chấp chới, bay múa, một rừng lá nõn, một biển sương trong, là sớm mai này mang tên hiện tại, hỏi tại sao ở văn tôi không mảy may dáu tích, cái bây giờ của dân Việt Nma nóng hổi sinh động, Việt Nam đang xuống đường, Việt Nam đang vào trận, Việt Nam đang thoát hình, Việt Nam đang sống chết, chủ đề vĩ đại ấy là thực tại dị thường này, sao chỉ mờ nhạt hình hài, lác đác dấu hiệu qua những điều tôi đã viết ra.

 

Nhận định của Vui và các bạn, mang nét cau mặt của một phiền trách nghiêm nghị. Văn tôi viết, nghiêng thật nặng theo thì quá khứ. Liên hệ với dĩ vãng ở tôi không chặt đi mà lại nối dài. "Y quài tay lại sau lưng, xoay chuyển cả một khoảng thời gian lạnh tanh đã chết về làm hơi thở, đặt cái sau lưng thành cái trước ngực, hiện tại này mênh mông mặt biển, xa tắp chân trời, nhưng y chỉ cúi xuống, vớt mãi ở những đáy thẳm nào lên lướt thướt những chùn dĩ vãng lân tinh." Chừng như Vui và các bạn đã nói về tôi, như thế.

Tại sao lại ngược đường như vậy? Chính tôi cũng đặt cho tôi câu hỏi này. Và tôi tìm trả lời đây. Nhiều cách lắm. Trước hết tôi có thể trả lời ngắn, gọn và xong là tôi như thế. Chịu không thay đổi được. Người làm nghệ thuật sống và chết với những cái đúng, cái lầm của mình vĩnh viễn. Cái y tạo ra là một công trình sáng tạo của người. Nhưng bản thân y là một thứ tính trời. Con người y là một thảm kịch. Nghệ thuật, trong liên hệ người làm nghệ thuật là một phân tâm tàn nhẫn. Nội giới y là sân khấu của một chém giết không tiếc thương, không ngừng tay. Nhưng y thế nào, y như vậy. Ra khỏi bao nhiêu vùng vẫy, hay chết đuối trong những vùng vẫy ấy, tôi vẫn là tôi. Cái phần tôi-rất-tôi, cái phần nòng cốt, xương tủy ấy ở ngoài mọi hiệu lực biến tướng.

Hay nói cho rõ hơn. Đặc tính bất biến này, biểu hiện trong sáng tác, hóa thành cái tôi tạm gọi là phong cách, điệu dáng, ỡ mỗi nhà văn là một riêng biệt, như cái tinh thần, cái nhãn hiệu riêng. Văn chương là biểu hiện. Biểu hiện thiếu cách thế, rất dễ lẫn nhòa trong cái chung chung, rất dễ rơi ngã vào cái chìm chìm không màu sắc. Cách thế đó không đơn thuần là kỹ thuật. Nó bao gồm cả nội dung và kỹ thuật là hai khía cạnh biểu hiện chính yếu của sáng tạo nghệ thuật. Với tôi, cách thế đó thiết yếu phải có, và cực kỳ quan trọng. Nhà văn nào tựu trung thì cũng viết về đời sống, con người, mình và kẻ khác, chỉ không biến thành một sản phẩm cùng loại ở chỗ có thể cùng hướng đến những chủ đề đồng tính nhưng bằng một nhìn ngắm riêng là cái cách thế riêng tây. Chúng ta thường bàn đến một lối thơ Thanh Tâm Tuyền, một kiểu văn Nguyễn Tuân là dấu tích con người nhà văn hiện hữu trong sáng tác của nhà văn đó. Cụ Phan Khôi ở miền Bắc từng đã than: "Thế này thì trăm thứ hoa cúc nở ra, toàn là một giống cúc vạn thọ." Phan Khôi đã lên tiếng phản chống dũng cảm lại âm mưu đồng hóa những người l  àm nghệ thuật, tiêu hủy cái cách thế riêng tây, tiêu diệt cái phần hệ trọng cao đẹp nhất của một nhà văn là biểu hiện trung thành không giả tạo, không vay mượn trong sáng tác. như thế, mỗi nhà văn đều mặc nhiên có một cách thế riêng. Tôi cũng vậy. Và tôi đã thành thật nghĩ ằng, xử dụng quá khứ ở tôi cũng chỉ là một cách thế riêng của cá nhân tôi, trong nỗ lực chung của tất cả những nhà văn là biểu hiện nhận thức và thái độ mình trước văn chương, ngôn ngữ và đời sống.

 

Jules Verne với những thiên tiểu thuyết đẫm mà khoa học giả tưởng và vị lai viễn kiến. Nguyễn Tuân với Vang Bóng Một Thời, Hồ Dzếnh với Chân Trời Cũ, cũng như Nguyên Hồng khi viết Những Ngày Thơ Ấu, Dương Nghiễm Mậu khi viết Gia Tài Người Mẹ, Thanh Tâm Tuyền mất năy trước đây viết cuốn Bếp Lửa, hiện còn đang nói đến những biến cố ngày trước, những vùng trời đã mất, những thời gian đã qua, qua Cát Lầy và Ung Thư, đều không phải là những nhà văn lãng quên thực tại. Vũ Khắc Khoan nữa. Vở Thành Cát Tư Hãn không hề tố cáo một Vũ Khắc Khoan mơ tưởng cái triều đại phong kiến xa xưa của những cung phi và những ngai vàng. Điều mà người đọc cần và chỉ nên tìm hiểu ở một nhà văn, theo tôi là cái cách thế, cái thái độ biểu hiện chủ đề, mà không phải là cái ý nghĩa thường rất khách quan của chủ đề, mà không phải là cái ý nghĩa thường rất khách quan của chủ đề, chủ đề chỉ là một cảnh trí, một sân khấu, một đối tượng, ở đó nhà văn ném cái chủ quan mãnh liệt của mình vào, làm sống lại một thế giới thực hơn thực tại, sống hơn đời sống, bởi vì cái thế giới nghệ thuật là một thế giới đã hình thành xong xuôi, xong xuôi từ tính chất đến những vận động trở thành đến định mệnh và ý nghĩa sau cùng của nó. Lỗi lầm mà nhiều nhà phê bình thiếu sâu sắc thường mắc phải là tách rời quá khứ, hiện tại và tương lai như ba vùng thời gian khác biệt của một cuốn lịch, căn cứ vào đó để phê phán nhà văn đi vào thực tại, hướng tới tương lai, hay mãi mãi lưu đầy trong hồi tưởng và luyến thương quá khứ;

Tôi vừa nói với Vui ở trên về mỗi nhà văn đều có một cách thể biểu hiện riêng. Những điều này dẫu sao cũng còn mơ hồ và chưa chứng tỏ được ở tôi, tại sao là cần thiết những dò thăm không ngừng gửi về quá khứ. Cũng phải thú thật một điều này: tôi chưa nhìn rõ được hiện tại này. Tôi nghĩ tôi đang sống với một hiện tại đối với tôi có nhiều bỡ ngỡ, chúng ta bao giờ cũng thảng thốt một chút, bàng hoàng một chút trước bất cứ một hiện tại nào, phải thế không, nhất là hiện tại chúng ta đang sống đây, hiện tại Việt Nam cũng như cái đang diễn ra, cái bây giờ của thế giới.

Những sự việc xẩy ra, dồn dập, liên tiếp, không ngời được. Đó là một thứ hiện tại trăm tay trăm đầu. Buổi sáng thế này, buổi chiều thế khác, mà thường là phải có một khoảng thời gian cho lắng đọng xuống, chúng ta mới nhìn thấy được rõ ràng không nhầm lẫn, đâu là nguyên nhân, đâu là biến tướng, đâu là những thực chất và đâu là những trở thành. Tại sao? Tại vì cái hiện tại này, thực tế đời sống chứng minh chúng ta đã không hoàn toàn làm chủ được nó. Mà khi nó đã thoát khỏi tầm tay chủ động của người, hiện tạo đó -là đời sống này- trở thành một hiện tại đi hoang, nó hung hãn như một con thú dữ sổng chuồng, và trong cơn lốc bi thảm đó, chúng ta có những hồi choáng váng, chúng ta có những lúc bàng hoàng, không phân biệt được gì nữa, kể từ một hướng gió. Vui có thấy như thế không? Hiện tại này là trái là phải, phản phúc nhân tâm, thoắt nắng thoắt mưa, chợt êm chợt động, là cái vật vã quái đản đó của một cơn sốt rét rừng, khiến cho chúng ta rồi nhiều khi bảo với nhau là chỉ còn thái độ này: hoặc bất động nín thinh hoặc thả mình theo cơn sốt vỡ da chập chờn mê hoảng.

 

Mấy năm nay, tôi đã định cho là tôi phải viết được một cuốn tiểu thuyết dài về những biến động vừa qua ở Sàigòn. Những biến động làm rung chuyển đất nước chúng ta. Những biến động đẩy sấp đất nước và con người trên đất nước này vào những phút hãi hùng và đen tối nhất. Nhưng tôi chưa viết được. Tôi phải chờ. Tôi phải chờ một lắng đọng xuống, về những biến động ấy ngoài tôi, cũng đồng thời là sự lắng đọng của những biến động ấy trong tôi. Giản dị là để nhìn thấy được rõ hơn. Quy định được chính xác hơn. Khoảng cách của thời gian cho một nhà văn tạo đủ điều kiện đi sâu vào chủ đề, nắm vững được đối tượng sáng tác, là một tự nhiên cần thiết. Duy đối với những nhà văn mác-xít, khoảng cách đó không cần thiết đâu. Tôi còn nhớ ở một buổi họp mười mấy năm trước đây, ngoài vùng kháng chiến, một cán bộ cao cấp mác-xít đã chỉ thị: "Nhà văn đi trên đường có chăng ngang một khảu hiệu mới, phải sáng tác được ngay tức khắc một sáng tác cũng nóng hổi và cũng kịp thời như khẩu hiệu ấy." Làm vậy cũng được. Nếu tôi là một nhà văn dùng lý thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa làm kim chỉ nam. Nếu tôi cũng là một bông cúc vạn thọ của Phan Khôi. Nhưng tôi không phải thế. Làm thế cũng được. Nếu văn chương chỉ là khẩu hiệu.

 

Khoảng cách cần thiết. Khoảng cách cần thiết cho những người làm văn học sử quy định được chính xác một thời kỳ văn học. Khoảng cách cần thiết cho một nhà văn hòa nhập được vào đề tài, lĩnh hội được đặc thù, khám phá được gốc nguồn và chân tướng, khoảng cách đó tôi gọi là quá khứ của sáng tác mà không một nhà văn nào có thể vượt qua được, cho dù nhà văn là một thiên tài. Vui,  mỗi con người chúng ta đều có một trình tự sống. Trình tự đó kết hợp bằng những kinh nghiệm, những tích lũy, những dấu chàm đớn đau trên ngực, những ảo tưởng một người phải có, những thực tế một đời phải gặp, những ngã xuống đau thương, những lết đi cực nhọc, tất cả nối tiếp nhau qua hình ảnh một hành trình. Tôi không hiểu, ở những người "ý thức nóng và tâm hồn mới", "đài trán phẳng và tiếng nói thẳng" như Vui khỏi cuộc hành trình vào đời diễn ra trong những điều kiện nào. Chỉ biết rằng chúng tơi, lớn lên trong chiến tranh tiêu thổ, Hà Nội thiên đô, một ngày nào của tuổi hai mươi ném mình vào những chân trời mịt mùng gió bão, hai mươi năm tự đó đến nay, chúng tôi sống, lúc nào cũng như với một mất mát cực kỳ lớn lao, mất mát đó với riêng tôi, không thể lấp đầy, cho dẫu lòng mình còn như lửa đỏ. Cho nên chúng tôi đã nói đến những mất mát đó, đến quá khứ, đến Hà Nội, đến những ngày vui xưa, những kỷ niệm cũ, tầm thường, nhỏ bé, nhưng chúng là những tia nắng duy nhất của một mùa xuân quá ngắn, một tuổi vàng đã bay, đến nay là những dấu tích mộng tưởng còn lưu  giữ được và đối với chúng tôi, đã mất hẳn một phần đời hoa bướm, những dấu tích ấy thật hiếm hoi quý báu vô ngần. Người ta không thể chỉ sống bằng quá khứ. Nhưng tôi đã chọn. Tôi đã chọn nói đến những vấn đề tôi xem là quan trọng, qua trình tự này là những đớn đau, những mất mát đầu đời phải được nói đến đầu tiên. Như thế là lựa chọn cho riêng mình một hợp lý nào đó. Tôi nói cho riêng mình. Một nhà văn, cho dẫu tham vọng cao lớn đến đâu, những lúc tâm thức xao xuyến, thần trí hoài nghi, chỉ còn dám tin là mình chỉ còn lại cái thẩm quyền thảm thương hữu hạn là nói đến cái thế giới cá nhân nhỏ bé của mình, bởi con người mình chỉ là ảnh hình của cái thế giới cá nhân thu hẹp ấy. Không, Vui và các bạn không nhận được gì đáng kể qua những điều chúng tôi đã viết ra đâu. Ngoài sự thành thực. Sự thành thực đó là sòng phẳng với mình, và cũng là một thái độ kính yêu chân thành đối với đời sống.

 

Hồi gần đây, tôi nghe thấy, luôn luôn, tiếng đập của một cánh cửa. Một cánh cửa buồn rầu. Một cánh cửa cuối cùng. Một cánh cửa tối đen. Và phía bên kia cánh cửa tối đen kia là hư vô và yên lặng.

Mai Thảo

Người thầy học cũ

Văn Uyển số 14, tháng 6/1969

(trang 7-14)

 

© Copyright Mai Thảo