“ngày...tháng...”

 

Kim Thi

 

Ngày... Tháng...

9 giờ sáng ngày 7 tháng 11 năm 2003, Phan Nhật Nam đưa Kim Thi vào bệnh viện Đại học Y Khoa UCI, miền Nam California.

Vài năm trở lại đây Kim Thi là thân chủ khá chăm chỉ của các bệnh viện. Lần nguy kịch nhất cách đây một năm, Kim Thi bị tai biến mạch máu não lần thứ... tư, hậu quả, cho đến bây giờ tứ chi vẫn rất vụng và yếu. Đi xa quá 100 thước phải dùng xe lăn, cầm nắm vật dụng nặng không được, nhất là khả năng viết lách, vẽ vời trở nên vô cùng khó khăn. Những tưởng đến thế là đã đụng đáy bất hạnh, nhưng, như nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh ví von, qua hai câu thơ của Nguyễn Bính: "Bao nhiêu đau khổ của trần gian / trời đã dành riêng để tặng chàng." Ba tháng trước tiếng nói của Kim Thi vốn khó khăn do hậu quả của tai biến, càng khó khăn hơn. Đi khám. Bác sĩ tìm thấy u bứu trên thanh quản, nghi ngờ ung thư. Kim Thi được chuyển vào UCI làm biopsie thử nghiệm. Kết quả: mối nghi được xác định! Nghĩa là Kim Thi thực sự bị ung thư! Ung thư! Bản án tử hình đã phán quyết, chờ ngày thọ án! Ung thư, chiếc vé lên tàu rời khỏi trần gian bụi bặm này đã đóng mộc, nhất khứ bất phục phản. Ung thư! Tên tuổi trong waiting list ưu tiên dồn lên hàng cao nhất, giờ ra đi đã điểm. Một tuần đầu, Kim Thi lao đao, tinh thần suy sụp. Bạn bè biết tin, đến thăm. Trong tia nhìn và cách hành sử của họ ẩn chứa lòng trắc ẩn, càng khiến Kim Thi ê chề. Chết, là hết, là sạch nợ, là đoạn tuyệt hẳn với trùng trùng khổ đau mỗi con người đã, đang và sẽ kinh qua. Chết, theo các tôn giáo, là giải thoát, là đến miền cực lạc, là về với Chúa. Tất cả những điều trên, ai cũng hiểu chỉ nhằm mục đích động viên, trấn an người sắp chết. Thực sự, không có gì quý hơn mạng sống. Nghĩa là không có gì đáng sợ hơn cái chết. Nhà văn Mai Thảo vài tháng cuối cùng trước khi ra đi, nằm liệt trên giường bệnh. Một lần, Kim Thi đến ngồi cạnh giường, nhấp với ông một ngụm rượu, nghe ông thầm thì: Mẹ, chúng nó phơi phới thế kia mà mình lại sắp chết, nhảm thật. Ông mỉm cười hom hem, hướng tia mắt buồn bã vào màn hình TV ở góc tường. Kim Thi nhìn theo. Chương trình ca nhạc của ca sĩ Madona. Đúng thực, "chúng nó phơi phới thế kia", sinh động, mời gọi, tràn trề sinh lực. Nhưng Kim Thi không chia xẻ được cảm giác "mình lại sắp chết, nhảm thật" với Mai Thảo. Bây giờ, cận kề cửa tử, Kim Thi mới thấm thía nỗi tuyệt vọng, và cảm phục lòng can đảm, sự chịu đựng, ý chí kiên cường của người bạn vong niên. Đã bao nhiêu lần Kim Thi tự nhủ, chuyện đã thế, phải thế. Muốn tránh nào có tránh được. Thôi thì cần thỏa hiệp, làm quen, và chờ đợi cái chết trong thái độ bình thản được chừng nào hay chừng ấy. Nghĩ thì dễ, nhưng làm, khó qua. Hàng ngày Kim Thi vẫn được bè bạn đưa ra quán cà phê. Không nói được (bứu ung thư mỗi ngày thêm lớn, đè trên thanh quản, làm nghẹt tiếng nói), ngồi nhìn anh em tán chuyện, chuyện yêu đương, thù hằn, bao dung, ghét bỏ; chuyện văn chương, nghệ thuật; chuyện tiền bạc, nhà, xe... Kim Thi nghe, nhưng do ám ảnh cái chết đang đến gần, Kim Thi thấy mọi sự đều trở nên phù du, nhẹ hẫng. Từ của cải vật chất đến con người và những tương quan, hệ lụy, tất cả có vẻ như không dính dự gì với Kim Thi. Một người bạn muốn mua hai bức tranh lớn, khá đắt tiền, Kim Thi ừ hử, lòng dửng dưng. Một văn hữu tặng Kim Thi tác phẩm anh vừa in xong, dày hơn nghìn trang, công trình trí tuệ anh đã miệt mài năm năm dài. Kim Thi nhận, nhưng không thốt nổi một lời cảm ơn. Những giá trị hữu hình lẫn trừu tượng, bao nhiêu năm, từ ấu thơ đến hôm nay, vẫn là mục tiêu Kim Thi nỗ lực muốn vươn tới, bỗng nhiên không còn nghĩa lý nữa. Kim Thi ngao ngán tất cả. Niềm tuyệt vọng đã bào mòn, hủy diệt mầm ham muốn. Nói cách khác, cuộc chiến chưa diễn ra, nhưng Kim Thi đã buông trôi, bỏ cuộc.

Nhưng nhiều bạn bè thân gần, nhất là một người bạn trẻ từng gắn bó, keo sơn với Kim Thi như tứ chi, và bác sĩ nhà văn Ngô Thế Vinh không cho phép Kim Thi đầu hàng. Nhảy dù cố gắng. Câu "danh ngôn" bất cứ người lính nhảy dù nào cũng thuộc nằm lòng, cũng hò hét hổn hển từ vận động trường ra bãi tập với súng cầm tay, lúp xúp chạy. Câu "danh ngôn" Phan Nhật Nam đã bắt Kim Thi "tụng niệm" lại trên suốt chặng đường từ nhà đến bệnh viện.

 

Nhảy dù, cố gắng. Năm 1969, sau Tết Mậu Thân, hành quân ven đô Huế. Quảng Điền, Nguyệt Biều, Cây Số 17, Bao Vinh... Dưới ánh hỏa châu bập bùng, đoàn quân lặng lẽ di hành trên bờ cao của con đường xe lửa. Hai bên, ruộng nước lấp xấp, trải dài tít tắp lẫn vào bóng đêm. Đoàn quân, như đoàn ngựa thồ, lầm lũi đi, đói, lạnh và mệt lả. Mỗi người lính đều mang trên người không dưới 40 kí lô, gồm 6 trái lựu đạn, hai trái sáng, hai trái lân tinh, một trái mìn claymore, một súng chống chiến xa M72, một khẩu M16, 450 viên đạn cộng quần áo mền mùng chăn gối nồi niêu soong chảo và 3 ngày lương tươi (thịt, cá, rau cải, hành tiêu muối ớt, bột ngọt, xì dầu, nước mắm, đường, cà phê...), một ngày lương khô dự bị. Đoàn quân dừng lại bên này bờ sông, muốn qua sông phải chọn một trong hai giải pháp, hoặc lần xuống bờ sông, bơi qua. Với quân dụng vừa kể, giải pháp này bất khả thi. Giả dụ vượt sông không mang theo bất cứ thứ gì trên người, vẫn vô phương, khí hậu mùa đông lạnh buốt thế kia, chắc chắn sẽ chết cóng, chưa nói đến chuyện rất nhiều người không biết bơi. Vậy, chỉ còn giải pháp duy nhất: qua sông trên hai đường sắt trơ vơ, cao cách mặt nước hơn 10 thước. Xưa kia hai đường sắt được đặt trên một sàn cầu bằng ván. Từ ngày có chiến tranh, đường sắt ngưng hoạt động, vì bị địch phá hoại. Cây cầu trở nên bất khiển dụng, có lẽ vì vậy cư dân quanh vùng đã "trưng thu" ván sàn cầu cho những nhu cầu riêng. Lệnh của trung tâm hành quân, bằng mọi giá phải qua sông trước nửa đêm. Súng M16 cầm ngang làm cân thăng bằng, đoàn quân chia thành hai hàng dọc lần lượt đặt chân trên hai thanh sắt. Nhảy dù, cố gắng. Phải cực kỳ bình tĩnh. Không được phép sơ sẩy. Chỉ một bước chân thiếu chính xác, là sẽ rơi xuống dòng sông đen ngòm phía dưới. Với hơn 40 kí lô quân trang quân dụng trên người, và khí hậu buốt cóng mùa đông, hy vọng sống còn là một ảo tưởng cực kỳ vô lý. Nhảy dù, cố gắng. 300 nhân mạng cồng kềnh trở thành những diễn viên xiếc ưu hạng, không một người nào lọt sông.

 

Nhảy dù, cố gắng. Hạ Lào. Lam Sơn 719. Căn cứ A Lưới. Mưa tầm tã, trời đất âm u, mặt đất nhão sình, lầy lội. Đạn pháo ì ầm suốt đêm ngày, từ lỗ châu mai nhìn ra, đạn nổ sát chân đồi, nhích dần lên cao. Tiếng đề lô của địch gọi điều chỉnh đạn đạo nghe rõ mồn một. Cuộc chiến tranh khốn nạn. Một chiến trường tồi tệ. Đánh nhau, diện đối diện, thắng hay thua còn tùy thuộc vào tài năng của cấp chỉ huy, lòng can đảm của mỗi người lính. Đàng này, mấy trăm nhân mạng bị ném trên đỉnh một ngọn đồi, làm đích cho hàng trăm khẩu pháo ẩn dấu đâu đó trong bạt ngàn núi rừng thâm u. Không thấy địch để đánh, cũng không thể tháo chạy, chỉ đau đớn và sợ hãi nằm đó, chờ một quả đạn vô tình rơi ngay hầm, tan xương. Kim Thi chỉ là một tên lính quèn, không am tường kế hoạch hành quân của cấp chỉ huy mặt trận, nhưng rõ ràng Kim Thi và đồng đội đang đánh nhau với một kẻ thù vô hình, trong tư thế bị động. Ngày thứ 5, pháo tập vẫn ì ầm, những căn hầm cá nhân bọc quanh ngọn đồi nhiều cái đã làm mồi cho đạn pháo, nhiều đồng đội đã tan xương, số bị thương không được di tản vì trực thăng tải thương không đáp xuống được mỗi ngày thêm đông. Những người bị thương nặng, thiếâu thuốc men, khí hậu lại buốt cóng, đã lần lượt từ giã trần gian. Tinh thần binh sĩ rơi xuống mức tồi tệ nhất. Kim Thi được lệnh trình diện thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Vơ vội khẩu M16, Kim Thi khom người chui ra khỏi hầm, vọt chạy về phía căn hầm chỉ huy kiên cố, đào sâu hơn ba thước cách mặt đất, rộng mỗi bề hơn năm thước, phía trên, nóc hầm lợp bằng những thân gỗ tròn, loại dùng làm trụ đèn, được công binh câu tới bằng trực thăng vận tải Chinook. Trên nữa, một lớp gi sắt. Lớp thứ ba, một thước bao cát. Lớp thứ tư, những ống cống tròn để tạo khoảng trống giả (122 ly của địch thuộc loại xuyên phá, đạn sẽ xoáy sâu vào lòng đất, chỉ phát nổ khi gặp khoảng trống). Thêm một thước bao cát nữa. Nhìn cách thiết kế của căn hầm, Kim Thi cũng như những đồng đội khác đều nghĩ sẽ tuyệt đối an toàn nếu được ẩn nấp trong ấy. Nhưng Kim Thi đã lầm. Vừa chùi người vào trong, Kim Thi đảo mắt nhìn quanh, thiếu tá tiểu đoàn trưởng cùng các sĩ quan và hạ sĩ quan truyền tin thuộc bộ chỉ huy đang túm tụm quanh tổng đài. Kim Thi nói nhỏ với gã trung sĩ nhất ngồi ở đầu chiếc ghế dài: - Cho tôi ngồi với. Gã nhích người nhường chỗ, Kim Thi vừa ngồi xuống, thì một tiếng rít trên không trung, tiếp theo, tiếng nổ chát chúa ngay trên đầu. Đèn phụt tắt cùng lúc với mái hầm đổ sụp. Tri giác Kim Thi khoảnh khắc vụt biến, và rồi toàn thân đau buốt. Trong bóng tối đen kịt, một cách tay nhầy nhụa rơi ra, Kim Thi đoán, đẫm máu, vắt ngang ngực. Đưa bàn tay phải cầm lấy khúc thịt, Kim Thi than thầm: mình bị đứt một cánh tay rồi! Nhưng không, tay trái Kim Thi vẫn còn, dù đau liệm người. Dần dần Kim Thi hiểu ra, khi hầm sập, mộât tấm gi sắt đã chém đứt lìa thân thể gã trung sĩ nhất làm hai phần, cánh tay nhầy nhụa máu là của gã. Cũng có nghĩa nếu Kim Thi không được lệnh gọi của tiểu đoàn trưởng, gã trung sĩ nhất không nhích người nhường chỗ ngồi cho Kim Thi, thì gã đã không chết. Kim Thi bị thương. Chứng từ y khoa của bệnh viện Đỗ Vinh sau này: phỏng cấp độ 2, gãy hở xương hàm trên, sáu mảnh đạn trong đầu, một mảnh trong xương bả vai, mắt lưỡng thị. Với thương tích ấy, Kim Thi đã vận dụng hết sức tàn lết theo tiểu đội mở đường máu, tìm đến một khoảng trống nhỏ giữa rừng được chọn làm bãi đáp cho trực thăng cứu thương, vì căn cứ bị pháo tập liên miên, trực thăng vô phương hạ cánh. Ngoài 4 người đã chết, Kim Thi và 6 người nữa thuộc bộ chỉ huy, gồm thiếu tá tiểu đoàn trưởng, trung úy y sỹ, sĩ quan ban 2, một thượng sĩ thường vụ và 2 hạ sĩ quan truyền tin đều bị thương nặng. Đoạn đường từ căn cứ đến bãi đáp không xa quá1 cây số đường rừng, nhưng với những người bị thương, quả thực là một thứ "đường đi không đến" đúng nghĩa đen. Đã nhiều lần Kim Thi té nhủi, kiệt lực, hai chân lẩy bẩy không đỡ nổi thân xác bầm dập. Nhưng bằng mọi giá, Kim Thi phải đứng dậy, phải đến đích. Thành phố Sài Gòn. Hậu cứ. Xứ sở của bình yên. Miền hạnh phúc của những người lính trẻ. Sài Gòn, nơi ngất ngất tiếng hát đôi uyên ương Lê Uyên Phương, rã rời giọng ca Khánh Ly trong những đêm vũ trường say vùi men rượu. Sài Gòn, nơi người vợ trẻ mòn mỏi chờ mong, cùng với bào thai đứa con trai đầu lòng. Kim Thi không chết, không thể chết. Kim Thi phải trở về. Chiếc trực thăng lượn một vòng trước khi hạ thấp tầm cao, đáp xuống. Hai chân Kim Thi mềm nhũn, máu từ những vết thương trên đầu tuôn ra, ràn rụa khắp khuôn mặt cháy đen, bỏng rát. Chỉ vài trăm thước nữa thôi. Nhảy dù, cố gắng. Kim Thi thu hết tàn lực, đứng dậy, nhưng hai chân không thể nào chống đỡ sức nặng toàn thân. Không được thua. Thua là dập vùi xác thân giữa núi rừng hoang vu, là người vợ trẻ sẽ thành góa phụ, là đứa con sắp chào đời sẽ mồ côi cha. Không thể thua. Nhảy dù, cố gắng. Với cánh tay còn sử dụng được, Kim Thi chòi người tới phía trước, từng tấc, từng tấc... Một người lính sau khi đã đưa các thương binh nặng hơn lên trực thăng, chạy ngược lại bìa rừng, nơi Kim Thi tuyệt vọng níu từng bụi cỏ, lùm cây chòi tới. Người lính cúi xuống xốc nách Kim Thi, kéo lê trên mặt đất. Gã xạ thủ đại liên choài người đưa cánh tay ra. Kim Thi cầm lấy. Khi chiếc trực thăng bốc khỏi mặt đất, vượt lên cao, Kim Thi nhìn nghiêng, bên trái, phía dưới, căn cứ A Lưới chìm trong mưa mù, với những bông lửa bùng cao do pháo tập của địch. Ở đó đồng đội của Kim Thi đang hứng chịu một cách tuyệt vọng cái chết có thể sẽ đến với mình bất cứ lúc nào. Cuộc chiến tranh khốn nạn. Một chiến trường tồi tệ. Cho đến bây giờ, gần 40 năm sau, Kim Thi vẫn không hiểu tại sao có mặt trận đó. Tại sao những đoàn quân tinh nhuệ nhất của quân lực miền Nam bị ném vào Hạ Lào, để thua, và chết.

 

Nhảy dù, cố gắng. Năm 1986, buổi tối trong một quán nhậu ở đường Nguyễn Tiểu La, Chợ Lớn. Có Giáng Tiên, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Tiến Văn, Nguyễn Tôn Nhan... Một người học trò đến tìm Kim Thi: - Ngày mai có chuyến, em đã sắp xếp cho thầy một chỗ, tối nay thầy chuẩn bị, sáng mai em đến đón. Đang chén chú chén anh ngất ngưỡng, trả lời bừa: - Xong ngay, chuyện nhỏ! Người học trò ngồi nán nhậu vài ly rồi xin phép về trước. 4 giờ sáng hôm sau, có tiếng gõ cửa, còn lao đao cơn say buổi tối, Kim Thi ra mở cửa, người học trò nói: - Thầy xong chưa? Mình đi. - Đi đâu? - Tối qua thầy say quá, quên rồi à? Nhớ lại cái hẹn với người học trò, nhớ lại tuần trước có nhờ cậu ta lo một chỗ vượt biên, nhớ lại những buổi "làm việc" với công an văn hóa. Phải rồi, phải đi, phải thoát khỏi đất nước này. Nửa năm trước một người bạn văn nghệ vượt biên, hắn bị bắt. Ngồi tù 4 tháng, được tha, với điều kiện hàng tuần phải trình diện công an văn hóa thành phố, báo cáo những hoạt động của bản thân và của các văn nghệ sĩ quen biết. Báo cáo một thời gian, hết chuyện, hắn buộc phải lôi Kim Thi ra, rằng Kim Thi có tư tưởng phản động, đã vẽ một bức tranh có ý hướng bôi bác chế độ... May cho Kim Thi, hàng ngày ăn nhậu, nhẵn mặt các hàng quán, giao du với nhiều thành phần, kể cả một công an văn hóa. Tên này cho Kim Thi biết sự việc, khuyên tiêu tán ngay bằng cớ nếu có. Kim Thi làm theo lời khuyên. Nhờ thế khi bị xét nhà, không tìm ra tang chứng, Kim Thi thoát khỏi tù tội. Nhưng, như người bạn, hàng tuần Kim Thi cũng phải báo cáo mọi hoạt động của mình và bằng hữu. Bố mẹ vợï Kim Thi sang Pháp từ thập niên 40. Sau 1975 gia đình Kim Thi được bảo lãnh, mãi đến đầu năm 1986 chính quyền mới chấp thuận cho xuất cảnh. Trong thời gian chờ nước Pháp hoàn tất thủ tục nhập cảnh để rời khỏi Việt Nam, thì sự cố vừa kể xảy ra. Ngày lên đường còn mịt mù, trong lúc hàng tuần phải đóng vai chỉ điểm, lương tâm Kim Thi không yên ổn. Để thoát khỏi tình trạng ấy, phải vượt biên thôi. Vợ con thư thả đi sau. Khi có giấy tờ nhập cảnh, chỉ cần bịa ra một lý do gì đó, ví dụ Kim Thi biệt tích, hình như trốn theo vợ bé, là xong. Ép thêm người vào hộ khẩu mới khó, bỏ ra, dễ quá. Vả lại, nếu không dễ, một hai cây vàng cũng thành dễ. Kim Thi nói với người học trò đợi một chút, rồi vào nhà trong mặc vội bộ quần áo, vơ vội thêm một bộ nữa, nhét vào bao mặt nạ, đeo lên vai. Xong, hôn con, nói với vợ: anh đi. Vợ nhìn, tia mắt ngơ ngác. Dù đã bàn tính trước, nhưng sự việc xảy ra quá bất ngờ, vợ vẫn không kịp có phản ứng. Người học trò chở Kim Thi xuống Rạch Giá bằng honda. Từ Rạch Giá, lên "taxi" ra "cá lớn" ù neo ngoài cửa sông. "Cá lớn" thực ra chỉ là một chiếc thuyền nhỏ, có lẽ chuyên sử dụng trong các sông lạch. Hành khách hôm ấy gồm 25 người lớn, 4 trẻ em. Tuy chỉ chừng ấy nhân mạng, nhưng chiếc thuyền đã có vẻ quá tải, nước mấp mé be thuyền. Ba giờ sáng thuyền khởi động máy, rời cửa sông, ra biển. 6 giờ sáng, gặp tuần duyên, thuyền bị chận lại. Những mũi súng chỉa vào lòng thuyền lúc nhúc người, tiếng loa oang oang đe dọa: - Tất cả để hai tay lên đầu, không được lộn xộn. Ai lộn xộn, bắn. Ván bài chưa đánh đã thua! Không thể thua quá dễ dàng như thế được. Nhảy dù, cố gắng. Kim Thi lách ra be thuyền, lựa thế nhảy lên tàu tuần duyên. - Đứng lại. Một báng súng nện vào bụng, Kim Thi gập người qụy xuống. Đau buốt, cơn đau bóp nghẹt hai buồng phổi, nghẹt thở. Cố nén đau, Kim Thi lắp bắp: - Xin các anh cho tôi nói. - Nói gì, đụ mẹ, muốn chết phải không? - Chúng tôi có vàng, xin các anh cho chúng tôi đi... - Vàng, đụ mẹ hối lộ hả? - Xin các anh cho chúng tôi đi, bắt chúng tôi, các anh chẳng lợi lộc gì, xin các anh... - Câm mồm! Nhưng tiếng quát đã giảm cường độ. - Xin các anh tha chúng tôi. - Đã bảo câm mồm. Tiếng quát rơi xuống cung bậc thấp. - Xin các cho chúng tôi đi, chúng tôi có vàng... Im lặng. Vàng. "Các anh" bắt đầu ngấm đòn. Kim Thi tiếp tục bài ca "xin các anh", thống thiết, bi ai, đượïc yểm trợ bằng những lượng vàng sẽ biếu tặng đền ơn. Cuối cùng, "các anh" xiêu lòng. Kim Thi được trao nhiệm vụ thâu gom vòng vàng, quí kim. Trở về thuyền, Kim Thi lại phải đi một đường chiến tranh chính trị, rằng tự do trên hết, tự do quí hơn vàng, xin bà con cô bác hãy buông bỏ của cải, để có thể thong dong tìm đến xứ sở tự do... Sau trận trấn lột, tàu tuần duyên hộ tống chiếc thuyền mỏng manh ra ngoài hải phận. Đã thả, thả cho trót. Chả phải "các anh" tốt lành gì, chúng tôi thừa thông minh hiểu "các anh" sợ một tuần duyên khác vồ được chúng tôi, chuyện "trấn lột" đổ bể, phiền.

 

Nhảy dù, cố gắng. Những năm cuối của thập niên tám mươi không khí chống cộng tại hải ngoại còn sôi sục. Đó là thời kỳ bạo lực nhân danh chính nghĩa được tuyên dương, cổ vũ. Một Trần Văn Bé Tư đối với luật pháp Mỹ là tội phạm, dùng súng bắn người có chủ mưu, nhưng đối với cộng đồng Việt Nam lại là một anh hùng, đã "thế thiên hành đạo", đã nhân danh chính nghĩa để diệt trừ một Việt Cộng nằm vùng. Trong bối cảnh đó Hợp Lưu chào đời. Chỉ sau số ra mắt, báo chí Việt ngữ tại quận Cam nói riêng, khắp nơi trên thế giới nói chung, lên án, khai trừ. Kim Thi bỗng biến thành Việt gian, nối giáo cho giặc, đâm sau lưng chiến sĩ. Đêm, một hai giờ sáng, nhiều cú phone từ đâu đó gọi đến, mạt sát, lăng nhục. Ngày, vào quán, bạn bè thân thiết xưa kia rút dần sang bàn khác. Không nên dây với hủi, nhỡ lạc đạn, chết oan. Tờ báo đã chào đời, bằng mọi giá nó phải sống. Nhảy dù, cố gắng. Mặc kệ những lăng nhục trên báo. Mặc kệ những mạt sát, đe dọa hàng đêm, Hợp Lưu vẫn đều đặn hai tháng một lần có mặt trên các kệ sách. Chưa có nhiều độc giả, thiếu tiền in, vẽ tranh, trình bày bìa sách, bìa băng nhạc bù lỗ. Vẫn thiếu, viết dâm thư. Lấy ngắn nuôi dài. Nhảy dù, cố gắng. Vậy mà đã 14 năm. Đường đi vẫn chưa đến. Không sao. Vấn đề là đã lên đường, đã đi, miệt mài, kiên trì, không nghỉ. Nhảy dù, cố gắng.

 

Trên quãng đường từ nhà đến bệnh viện UCI dài khoảng 25 phút, Kim Thi và Phan Nhật Nam cùng gợi lại kỷ niệm xưa, dùng kỷ niệm xưa như chất xúc tác động viên tinh thần cho một chiến trường mới sắp mở màn. Kim Thi nhớ lại hình ảnh người lính đã xốc nách Kim Thi lôi lên trực thăng, lôi một đồng đội từ tử địa ra cõi sinh. Ngày nay, trên xứ người, cách xa trận địa cũ nửa vòng trái đất, một người lính già từng mang trên vai 16 năm tù, 8 năm biệt giam, đưa một người lính khác, cũng đã già, đến bệnh viện, để chuẩn bị những công đoạn cần có cho một cuộc chiến khác, gian nan gấp bội chiến trường xưa. Kẻ địch ngày hôm nay không vô hình, không là những trái pháo rít khô trên không trung, cày nát hầm hố trên mặt đất nhão sình. Kẻ địch ngày hôm nay là những tế bào ác tính mang tên ung thư, dửng dưng nẩy nở. Bây giờ đạo quân oan nghiệt kia chỉ mới làm tắt tiếng nói, nhưng rồi sẽ đến lúc ứ đầy thanh quản, nghẹt thở, chết.

 

Kim Thi viết những dòng này sau 12 tiếng từ bệnh viện trở về. Người ta đã xẻ một lỗ nhỏ ngang bụng, chuyền vào cuống bao tử một ống nhựa, và một ống khác vào tim, nối liền với máy trợ tim tí hon đặt dưới da ngực. Vài hôm nữa Kim Thi sẽ được chữa trị bằng Radiation (xạ trị) và bằng chemotherapy (hóa trị). Tia phóng xạ sẽ đốt cháy vùng ung thư, ngay thanh quản. Cũng có nghĩa Kim Thi không ăn được bằng miệng, vì thức ăn không thể đi ngang thực quản, sát thanh quản một lớp da mỏng được, buộc phải bơm thức ăn lỏng (nước, súp, ensure...) vào bao tử qua ống nhựa ở bụng. Thời gian xạ trị sẽ kéo dài trên dưới ba tháng, cộng thêm nhiều tháng dưỡng thương nữa. Trung bình từ 8 tháng đến 1 năm nhịn ăn uống bằng miệng! Phan Nhật Nam đùa: Trời đất chí công, bạn đã ẩm thực thừa mứa hơn 50 năm, nay, nhịn cũng là phải lẽ. Được hỏi công dụng và nhiệm vụ của máy trợ tim, bác sĩ giải thích: Phương pháp chữa trị bằng Radiation sẽ được kết hợp với Chemotherapy, nhưng do ảnh hưởng của stroke, Kim Thi suy tim, máy giúp bơm chất thuốc hóa học chạy khắp cơ thể, tìm diệt các tế bào ung thư. Kim Thi được biết thêm, thuốc có khả năng giết các tế bào ác tính, nhưng đồng thời cũng giết luôn các tế bào hiền, bệnh nhân mất hồng huyết cầu, rụng tóc, mục răng, cháy nám da, đau đớn, sức đề kháng không còn, sẽ rũ liệt, kiệt sức. Hãy hình dung một tiền đồn bị địch tràn ngập. Để giữ đồn, chả còn cách nào khác hơn gọi phi cơ không tập ngay trên trận địa. Địch chết, dĩ nhiên, nhưng ta cũng tan xương! Đây là phương pháp chữa trị ung thư duy nhất, ngoài giải phẫu, mà y khoa đang áp dụng. Xác suất thành công không nhiều, còn tùy thuộc ở sức đề kháng bẩm sinh của mỗi cơ thế, và tùy thuộc không nhỏ vào sự chịu đựng cùng ý chí của con bệnh. Chưa kể, ung thư là căn bệnh di căn quái quỉ, mầm bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, diệt nơi này sớm muộn gì cũng sẽ nhảy sang nơi khác. Nói cách khác, chữa trị ung thư là tìm cách triển hạn cái chết, lâu, vài năm, nhanh, vài tháng. 

 

Trời California mùa này đã lạnh, và tối sớm. Trong căn phòng nhỏ, rất nhỏ, nhà người bạn Kim Thi trú ngụ gần 3 tháng nay, nhìn ra, bầu trời nặng mây mù, một con quạ đậu lẻ loi trên sợi dây điện chạy dọc đường phố, bên ngoài tường rào. Hình ảnh con quạ lẻ loi trên sợi dây điện giữa bầu trời xám đục, gợi trong lòng Kim Thi một nỗi quạnh hiu. Dù trốn chạy, tự đánh lừa mình cách nào, cũng không thể đảo ngược sự thực: cái chết mỗi ngày mỗi đến gần hơn với Kim Thi. Hôm qua, một bạn văn, ngày nay đã là tu sĩ, đến thăm Kim Thi. Anh ấy nói về lẽ sống chết; về sự vô thường, giả ảo của kiếp nhân sinh; về lớp "vỏ" tất cả chúng ta đang mặc là cái bình thịt xương đã có sinh ắt phải có bệnh, có lão và có tử; về con đường giải thoát mỗi chúng sinh cần chuẩn bị cho ngày rũ bỏ lớp "vỏ" sẽ cũ, mục, hư hoại, để thoát ra khỏi vòng quay nghiệt ngã luân hồi, hoặc có tái sinh, thì cơ hội cho chúng ta chọn lựa một cảnh giới tốt ở kiếp hậu lai vẫn nhiều hơn. Người bạn tu sĩ nói đến "đạo" sống của dân tộc Ấn Độ xưa: từ nhỏ đến lúc vừa hết tuổi trưởng thành, học làm người. Từ trưởng thành đến 40, hưởng thụ cuộc đời. Thời gian còn lại dồn hết cho tu tập để chuẩn bị cho cái chết sẽ đến. Người bạn tu sĩ thuyết về cõi "thân trung ấm", nơi linh hồn sẽ lang thang một thời gian trước khi đầu thai chuyển kiếp. Giai đoạn này cực kỳ quan trọng, nếu không chuẩn bị trước bằng tu tập, chính tâm, sẽ dễ dàng bị rơi vào cảnh giới tồi tệ... Tạm bỏ qua niềm tin tôn giáo và những dự tri có tính trừu tượng, điều Kim Thi thấy rõ là dưới mắt mọi người, chuyện ra đi của Kim Thi có vẻ đã được khẳng định.

Trên cơ sở này, Kim Thi nhận thấy nên bày tỏ vài điều, với, 

 

Bạn đọc và văn hữu thân mến,

 

Việc phải đến, đang đến.

Có thể Kim Thi sẽ trở lại với quí bạn, cũng có thể nhất khứ bất phục phản. Dù trở lại hay sẽ chia ly vĩnh viễn, quí bạn vẫn là một trong vài băn khoăn Kim Thi mong được giải bày.

Tờ báo này khai sinh trong khốn khó. Nhưng cũng đã vượt qua đoạn đường dài 14 năm, với không ít sóng gió. Nhất là thời kỳ đầu. Thời kỳ chuyện giao lưu trong-ngoài còn là liều thuốc đắng đối với đa số người Việt hải ngoại. Nhiều người đã đến, đã đi, nhiều người mới làm quen, nhiều người khác nữa thủy chung ròng rã suốt 14 năm. Dù mới, cũ, Kim Thi cũng chân thành cảm ơn tất cả. Không có quí bạn, không có Hợp Lưu, không có quí bạn, văn học nghệ thuật Việt Nam trên quê người không lý do tồn tại. Hiểu sâu xa điều ấy, để lấy làm tiếc khả năng và kiến thức của Kim Thi quá hữu hạn, không nâng được tờ tạp chí này đến tầm cao lẽ ra phải đạt đến, hầu phù hợp với yêu cầu chung của quí bạn nói riêng, xu thế của văn học nghệ thuật Việt Nam và thế giới nói chung. Tuy nhiên, trong giới hạn nào đó, Hợp Lưu cũng đã khiêm cung làm được một gạch nối, tạo điều kiện để các văn hữu trong và ngoài nước nhìn thấy nhau, đến với nhau. Dĩ nhiên còn nhiều dị biệt do hoàn cảnh địa dư và khí hậu chíùnh trị, nhưng ít nhất đối tượng phản ánh trong mắt nhau cũng không còn bị khúc xạ lệch lạc bởi thiên kiến, hận thù. Kim Thi hy vọng sẽ có một ngày nào đó, không còn hai chữ quốc nội, hải ngoại đi kèm với bút hiệu và danh xưng nhà văn. Chỉ có, duy nhất, nhà văn Việt Nam, viết bằng ngôn ngữ Việt Nam, cho mọi người Việt Nam sống rải rác khắp năm châu. Đó là mơ ươc của Kim Thi, từ khởi thủy đến hôm nay.

 

Giả dụ sau này Hợp Lưu vẫn tồn tại dù thiếu Kim Thi, thì đường hướng ấy vẫn không thay đổi, những người nắm sinh mệnh Hợp Lưu trong tương lai sẽ giúp Hợp Lưu theo đuổi và hoàn tất ước mơ kia. Quí độc giả, những tiếng nói thầm lặng, và quí văn hữu, những người đã và đang làm công việc sáng tạo, chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ động. Như đã nói, không có quí bạn, không có Hợp Lưu.

14 năm qua chúng ta đã chung đường, Kim Thi vẫn mong cùng quí bạn tiếp tục. Nhưng lực bất tòng tâm. Một mặt trận mới đang mở ra trước mắt Kim Thi. Hãy cho Kim Thi một thời gian để chiến đấu. Nếu Kim Thi thắng, chúng ta sẽ tao ngộ. Ngược lại, nếu Kim Thi thua, cũng bình thường thôi. Có sinh, có tử. Năm mươi lăm năm làm người, công bình mà nói, Kim Thi đã sống đủ, đã nếm trọn mọi mùi vị của cuộc đời. Nếu phải ra đi, cũng chẳng có gì hối tiếc.

Hãy cho Kim Thi gửi đến quí bạn một lời chào thân ái. 

 

Cùng các văn hữu trong ban chủ biên,

 

Một năm qua, kể từ lúc Kim Thi bàn giao chức chủ biên cho nhà văn Phùng Nguyễn, nhưng vì lý do riêng, Phùng Nguyễn không thể tiếp tục, nếu không nhờ sự tiếp tay của các bạn, chắc chắn Hợp Lưu đã không thể đến tay độc giả đều đặn, với chất lượng mỗi ngày thêm khởi sắc hơn, như đã. Có lẽ trên thế giới, từ xưa đến nay, Hợp Lưu là tờ báo duy nhất được trực tiếp quán xuyến bởi một nhóm anh em văn hữu có lòng rất đỗi với văn chương, nghệ thuật, trong tinh thần tuyệt đối vô vị lợi. Mỗi lần nghĩ đến những đóng góp của các bạn, từ nội dung, viết, đọc, chọn, sửa chính tả, sắp xếp bố cục cho từng số báo, đến việc phân phối, phát hành, góp nhặt thêm tài chánh để trang trải phí tổn in ấn khi cần tăng trang, Kim Thi không thể không xúc động. Gửi đến các bạn một lời cảm ơn, với lòng tri ân sâu xa, Kim Thi nghĩ, chưa đủ, và không cần thiết. Biết nói thế nào với các bạn bây giờ? Chỉ có thể hiểu ngầm, như Kim Thi, các bạn đến với văn chương nghệ thuật bởi một thôi thúc vô hình nào đó. Hàng giờ, hàng buổi, có khi hàng ngày, ngồi còng lưng trước màn hình computer, chọn lựa từng con chữ, đẽo gọt từng câu văn, chắt lọc từng suy tưởng, kỳ khu làm thành tác phẩm. Thích lắm, sướng lịm người khi nhìn thấy công trình tim óc của mình xuất hiện trên báo hoặc in thành sách. Nhưng cảm giác ấy chỉ đến một lần, lần đầu, hay nhiều lắm vài lần tiếp theo, để rồi nhanh chóng trở nên bình thường, tầm thường. Về mặt tinh thần, tên tuổi nếu có, cũng không nhờ đó chúng ta lớn hơn, được trọng vọng hơn. Về mặt vật chất, làm thơ viết văn ở hải ngoại chẳng những không tạo ra của cải, trái lại, còn vì nó mà vất vả, tốn kém. Vậy, lực thôi thúc vô hình nào buộc chặt chúng ta với "nghiệp chướng" này? Kim Thi không biết, nhưng Kim Thi hiểu rất rõ, nhờ thôi thúc ấy, nhờ mối đam mê chung, mà chúng ta gắn bó với nhau. Trong mọi loại tình cảm Kim Thi đã nếm trải, có vẻ như tình văn nghệ là loại tình cảm hiền lành và keo sơn nhất. Hiểu ra điều này, để thấy, ngoài nghiệp dĩ đã chọn, các bạn tận tình tận lực lo cho Hợp Lưu lúc Kim Thi không còn đủ sức gánh vác đơn phương, chắc chắn do tình cảm gắn bó giữa Kim Thi và các bạn, và giữa các bạn với nhau. Kim Thi hy vọng giao tình ấy sẽ mãi mãi bền chặt, để tờ báo này có thể đến tay bạn đọc bằng trí tuệ và tài năng của các bạn. Một trí tuệ, tài năng tập thể, sung mãn và đa dạng, tất nhiên sẽ giá trị gấp nhiều lần công trình của một cá nhân. 

 

http://www.hopluu.org/  

 

 

© Copyright Mai Thảo